Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Theo chuyên gia, những hiện tượng cơm nguội đổi màu đỏ như vậy là bất bình thường...

Liên quan đến việc một người dân TPHCm mua gạo Đài Loan về nầu cơm, chỉ sau 1 đêm, cơm chuyển thành màu đỏ rực, thông tin trên báo Người Đưa Tin, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, đây là hiện tượng cá biệt, gia đình nấu gạo đó thì nên nấu lại và quan sát.

Cũng theo ông Thịnh những hiện tượng cơm nguội đổi màu đỏ như vậy là bất bình thường, thế nhưng không thể loại trừ khả năng do chính bản thân gia đình đó tự làm ra. Có thể khi nấu vô tình có vật lạ ở trong nồi mới dẫn đến gạo chuyển màu.

“Bởi vì người bán hàng bán cho nhiều người chứ không phải bán riêng 5 kg cho gia đình đó, thế nên đây mới gọi là trường hợp cá biệt”, ông Thịnh cho biết thêm. Trả lời câu hỏi liệu loại gạo này có gây hại cho sức khỏe hay không, ông Thịnh cho rằng cần đem mẫu đi kiểm định mới có kết luận chính xác.

Nói thêm về vấn đề nhiều người nghi ngại gạo giả, khi mà thời gian gần đây trên thị trường xuất hiện nhiều loại gạo được cho là giả, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh khẳng định tất cả thông tin cho rằng gạo giả đều là bịa đặt. Để hiểu thế nào là gạo giả thì người tiêu dùng cần tìm hiểu khái niệm nêu trên.

Theo ông Duy Thịnh gạo giả chỉ có thể là giả nơi xuất xứ loại gạo đó ví dụ: “Gạo tám thơm Hải Hậu thì lại nói xuất xứ ở Hưng Yên chẳng hạn, hay đơn giản nói khoai tây của Trung Quốc mà nói là khoai tây Đà Lạt thì đó là giả. Làm gạo giả từ chất khác thì chỉ có người điên mới làm điều đó, vì làm được gạo giả là vô cùng khó khăn chứ không hề đơn giản”. Bên cạnh đó, ông Thịnh cũng nhấn mạnh: “Gạo là một sản phẩm không đáng ngại về mặt an toàn”.

Gao nau com chuyen thanh mau do ruc: Chuyen gia phan tich

Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, những hiện tượng cơm nguội đổi màu đỏ như vậy là bất bình thường... (Ảnh: Kiến thức).

Tin tức trên báo Tri thức Trực tuyến, theo ông Nguyễn Quốc Lý - Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Trung ương chi nhánh phía Nam, trước hết phải xem tính phổ biến của hiện tượng này đến mức nào. Nếu nhiều người cùng mua loại gạo này và nấu cơm có cùng hiện tượng thì lúc đó mới kiểm định, tìm nguyên nhân để hạn chế rủi ro cho cộng đồng.

Ông Lý phân tích, thường một lô gạo chế biến ra khoảng vài tấn. Nếu nhiều người dân mua của cùng một đại lý thì sẽ nhiều nhà sẽ gặp cùng hiện tượng. Khi số đông cùng bị thì phải kiểm chứng để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

"Khi kiểm nghiệm, cơ quan chức năng phải lấy mẫu đưa vào trung tâm hóa để phân tích xem nguyên nhân đổi màu, nguồn gốc gạo", ông Lý nói.

Theo ông Lý, trường hợp người dân ở huyện Bình Chánh mua 5 kg mà ăn hết 4 kg rồi mới phát hiện thì rất lạ, phải tìm hiểu kỹ. Ông phân tích, trước đây cũng có một số tin gạo giả nhưng đó chỉ là những trường hợp cá biệt. Vì gạo là loại thực phẩm rẻ nên nếu làm giả thì sẽ không có lợi nhuận.

Gao nau com chuyen thanh mau do ruc: Chuyen gia phan tich

Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Lan (giảng viên Khoa Hóa, trường ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM) cho biết thông thường, cơm khi để ra môi trường ngoài cũng thay đổi màu, khi bị ôi thiu thì chuyển sang màu vàng nhạt, có nấm mốc.

Trường hợp cơm chuyển sang màu đỏ, có thể do có chất Anthocyanin - là hợp chất hữu cơ có màu đỏ tía. Nếu chất này tự nhiên có trong gạo thì ăn vào rất tốt. Còn để biết gạo có độc hay không thì phải lấy mẫu kiểm định.

Trao đổi với PV Kiến Thức, chủ đại lý gạo khá lớn trên đường Trịnh Như Khuê (ngay chợ Bình Chánh), xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP HCM - là nơi bán gạo cho ông Lê Văn T, ngụ ấp 2, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh và xảy ra hiện tượng cơm trắng đổi màu đỏ rực đang gây xôn xao dư luận - tỏ ra rất bất ngờ.

Bà H. cho biết, có nghe thông tin vụ việc người dân mua gạo về nấu cơm rồi xảy ra hiện tượng lạ cơm trắng biến màu đỏ. Nhưng đến bây giờ bà mới biết người mua gạo là ông Tvà số gạo đó được mua tại đại lý của mình.

“Qua kiểm tra mẫu gạo (PV lấy từ nhà ông T đưa cho bà H. đối chiếu) cũng như kiểm tra lại, tôi thừa nhận khoảng giữa tháng 3/2016 có bán cho một người đàn ông ở xã Tân Quý Tây 5kg gạo Đài Loan đúng như mẫu gạo này nhưng giá chỉ 14.000 đồng/kg”, bà H. cho biết.

Theo bà H. thì gia đình bà mở đại lý gạo bán ở chợ Bình Chánh hơn 10 năm qua và chưa từng mất uy tín với khách hàng. Nguồn hàng đại lý của bà được một công ty kinh doanh gạo ở Tiền Giang cung ứng.

“Loại gạo Đài Loan được công ty chào hàng khoảng giữa tháng 3 và được tôi nấu ăn thử trước thấy ngon, giá hợp lý nên nhập về để bán. Tôi cũng giới thiệu cho khách loại gạo ngon đó và gia đình hàng ngày đều nấu loại gạo này để ăn. Đã có nhiều khách mua nhưng chưa nghe ai phản ánh biểu hiện lạ nào sau thời gian sử dụng”, bà H. phân trần.

Theo bà H. thì hơn 10 năm nay vựa gạo của bà là địa chỉ uy tín đối với người dân địa phương.

Trước sự việc trên, bà H. mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc nhằm làm rõ nguyên nhân vì bà cũng cảm thấy không an tâm khi khách hàng của mình mua gạo, nấu cơm xảy ra hiện tượng lạ, gây hoang mang dư luận. Hơn nữa, gia đình bà cũng đang dùng loại gạo này nên rất lo lắng.

Gao nau com chuyen thanh mau do ruc: Chuyen gia phan tich

Các chuyên gia cũng đặt ra nghi vấn nguyên nhân cơm màu đỏ có thể do bị thiu.

Trong khi đó, chiều ngày 29/3, ông T cho biết Công an địa phương đã liên hệ với ông để hỏi một số vấn đề liên quan đến vụ việc.

Số gạo ông T mua vẫn còn gần 1kg và số cơm hoá màu đỏ rực ông T đang cất để giao cho cơ quan chức năng nhằm làm rõ.

“Hiện tôi vẫn còn giữ gần 1kg gạo cũng như số cơm đã bị biến màu đỏ rực, đang có biểu hiện nổi mốc màu xanh… và sẵn sàng giao cho nhà chức trách để điều tra làm rõ, sớm có kết luận nguyên nhân”, ông T bày tỏ.

Trước đó, như thông tin trên báo Công an TPHCM, ông T cho biết khoảng giữa tháng 3/2016, ông ra chợ Bình Chánh mua 5kg gạo trắng (18.000 đồng/kg) và được người bán giới thiệu đây là loại gạo mới, ngon. Sau đó gia đình ông T nấu ăn và thừa nhận cơm bùi, thơm ngon hơn những loại gạo khác nhưng nuốt vào có cảm giác ngòn ngọt ở lưỡi.

“Ngày 24/3, nhà tôi nấu cơm bằng loại gạo này nhưng ăn không hết nên để lại sang ngày. Đến trưa hôm sau, khi mở nồi ra định ăn tiếp thì tôi thất kinh thấy cơm trắng chuyển màu hồng hồng, vội đưa sang nhà hàng xóm cho họ xem”, ông T kể lại.

Nghe hàng xóm bàn tán, nghi gạo Trung Quốc tẩm hóa chất nên cả gia đình ông T không dám ăn và để lại xem thử thế nào. Qua thêm 24 tiếng đồng hồ nữa thì số cơm nói trên đổi màu đỏ rực, mùi thum thủm, chua chua…

Báo Công an TPHCM thông tin thêm, khi phát hiện ra sự việc này, ông T. và gia đình đã ăn hết gần 4 kg, chỉ còn lại hơn 1 kg gạo chưa nấu. Nhiều hàng xóm thấy sự việc quá kỳ lạ không tin nên lấy một ít gạo về nấu thử để qua hôm sau cũng thấy hiện tượng chuyển sang màu đỏ tương tự khiến mọi người hết sức hoang mang.

Ông T. tỏ ra lo lắng “cơm nấu từ loại gạo này không đổi màu liền mà phải để hơn một ngày sau mới đổi sang màu đỏ nên nhiều người mua về dùng mà không hề hay biết. Điều lo lắng hơn là không biết loại màu trên có gây độc hại hay không?”.

Qua quan sát của PV CATP, loại gạo mà ông T. nói có hạt nhỏ, bóng lưỡng và trong hơn so với gạo thường. Những hạt cơm để qua đêm chuyển sang màu đỏ quạch nếu bỏ trong nước khấy một hồi cũng sẽ làm cho nước cũng chuyển sang màu hồng tương tự.

Được biết một người dân ở phường Ngọc Hiệp, TP Nha Trang cũng phát hiện trường hợp tương tự khi nấu cơm để qua hôm sau thì đổi màu đỏ quạch như vậy. Hiện chúng tôi đã lấy một ít gạo từ nhà ông T. để nhờ các cơ quan chức năng kiểm định và sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có kết quả.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

VietBao.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét